Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan và đại diện Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.Invest, Becamex IDC Bình Dương…
Khó khăn trăm bề
Trước cuộc họp quan trọng này, một số bộ, ngành liên quan đã có các cuộc làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các cuộc làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp để rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu đến hạn trả nợ (ảnh mang tính minh họa).
Qua các báo cáo và các cuộc làm việc cho thấy “bức tranh” ảm đạm của thị trường bất động sản khi nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy. Cá biệt, có đơn vị giảm đến 50% lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án.
Ngoài khó khăn về nguồn vốn, thể chế thì khâu thực thi pháp luật cũng đang có những vấn đề. Ở một số nơi cán bộ có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định.
Về tín dụng, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với kinh doanh bất động sản là gần 800.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tính đến 25/12/2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là trên 400.000 tỷ đồng, chiếm trên 30%.
Các doanh nghiệp bất động sản cũng phản ánh rất khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối năm 2022. Ngay cả các trường hợp có tài sản đảm bảo cũng không tiếp cận được nguồn vốn do các ngân hàng hết hạn mức cho vay. Trong khi đó lãi suất cho vay giai đoạn cuối năm 2022 tăng cũng tạo thêm khó khăn trong huy động nguồn vốn.
Ngoài khó khăn về nguồn vốn, thể chế thì khâu thực thi pháp luật cũng đang có những vấn đề. Ở một số nơi cán bộ có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm , sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định.
Có nên hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản?
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng cần điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Nới room tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn đối với các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn.
Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất gói tín dụng khoảng trên 100.000 tỷ đồng để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn…
Về nguồn vốn trái phiếu, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể huy động vốn. Với các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023, trường hợp có khó khăn thì theo tinh thần “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ” để doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản .
Về thể chế, đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán. Cùng với đó, nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội…
Theo Văn Kiên
Tiền phong