Cập nhật: 28-03-2023 09:38:54 | Tin tức & sự kiện | Lượt xem: 1852
Thực tế ở ta vẫn tồn tại hai loại giá đất: giá của Nhà nước luôn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Quy định của Nhà nước về giá đất áp dụng cho khu vực công cũng là câu chuyện nan giải ở Việt Nam. TP HCM vừa có hai quyết định mạnh dạn liên quan đến việc điều chỉnh hệ số giá đất tăng hàng chục lần. Nhưng câu hỏi đặt ra là đền bù đất theo giá nào mới là hợp lý?
Liên quan đến vấn đề này, độc giả Laxanh nêu quan điểm: "Tôi cho rằng, nút thắt nằm ở chỗ nhà nước tăng giá đền bù cho ông A với số tiền 5 tỷ đồng để xây dưng dự án công viên, nhà máy... phát triển kinh tế xã hội, hay thậm chí là làm nhà ở thương mại. Nhưng ngay ngày hôm sau, bằng cách đẩy giá của cò đất, chủ các lô đất tương tự gần đó đồng loạt tăng giá. Thế là câu chuyện nay được đền bù, mai không mua nổi đất với giá trị tương tự cứ thế tiếp diễn.
Vậy gỡ nút ở đây là gì? Có thể định giá đất theo giá thị trường? Tôi cho rằng chỉ có cách là ngưng đọng thời gian lại, mà đây lại là điều không tưởng. Do đó, để giải quyết triệt để, điều chúng ta cần làm là không để cho giá đất đội lên, vượt ra ngoài giá trị thực của nó, mà cụ thể là bằng công cụ thuế. Tức là cần quan niệm đất chỉ để ở, anh ở thì không đánh thuế, còn anh xem nó là tài sản kinh doanh, tích lũy thì sẽ phải chịu thuế nặng.
Ở đây, chúng ta đừng lo sợ người nghèo sẽ bị ảnh hưởng bới chính sách thuế. Thay vào đó, cứ đánh thật nặng vào, số tiền đó sẽ dùng để phân bổ nhà ở xã hội, đất đai dư thừa cho những người chưa sở hữu, và chưa giao dịch bất động sản trong vòng 10 năm. Bằng cách đó, ai cũng có cơ hội tiếp cận với nhà, đất giá rẻ hơn. Chỉ có những ai xem đó là hàng hóa mới phải chịu gánh nặng từ thuế. Khi cầu được đáp ứng thì cung có bày vẽ đủ chiêu trò cũng không để đẩy giá lên được.
Hiểu một cách đơn giản thế này, nếu không mua được vàng, người ta có thể dùng bạc, đá, gỗ với giá rẻ để đeo thay thế. Hay thậm chí, bạn không cần trang sức vẫn có thể sống vui vẻ, thoải mái. Nếu không mua được ôtô, người ta vẫn có thể đi xe buýt, xe khách, tàu điện, máy bay... với giá bình dân hơn để di chuyển. Nhưng không mua được nhà, người ta sẽ phải đóng tiền trọ với giá ít nhất hai triệu đồng một tháng, sống chật chội, khổ sở.
Vậy giải pháp ở đây là gì? Tôi cho rằng không cần cầu kỳ, phức tạp làm gì. Và cũng không cần qua nhiều tầng lớp trung gian, hồ sơ, sổ sách... Nhà nước chỉ cần hỗ trợ một số tiền với lãi suất thấp nhất cho những người mà bản thân họ không có bất kỳ bất động sản nào, và cũng không mua bán, cho tặng bất kỳ ai trong 10 năm gần đây. Số vốn vay này được thế chấp bằng chính bất động sản mà họ mua (tức là làm hồ sơ chứng minh khó khăn nhà ở, sau đó tìm nhà cần mua phù hợp và tiếp cận).
Thay vì cấp vốn cho các công ty bất động sản qua nhiều trung gian, đội vốn, rủi ro... để giải cứu thị trường như thời gian qua, tại sao chúng ta không cấp thẳng số tiền đó cho đối tượng cần nhà ở xã hội với điều kiện cần và đủ như đã nói ở trên. Làm vậy, Nhà nước sẽ vừa cho người nghèo nhà ở xã hội nhanh, đơn giản, hiệu quả, vừa kiểm soát được giá bất động sản, ngăn chặn tình trạng đầu cơ thổi giá đất.
La Xanh
(vnexpress.net)