Trường hợp nhà chung cư đã bị phá dỡ thì cũng không thể cho là nhà chung cư đã bị tiêu hủy, bởi tài sản nhà chung cư bao gồm tòa nhà chung cư và các công trình hạ tầng phục vụ cư dân cùng đất xây dựng khu chung cư. Vì vậy, tòa nhà chung cư đã bị phá dỡ thì tài sản nhà chung cư vẫn còn tồn tại, chưa hoàn toàn bị tiêu hủy.
"Điều 25 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định thêm trường hợp "quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư" là chưa chuẩn xác, chưa phù hợp với khoản 3 Điều 237 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định "quyền sở hữu chấm dứt" trong trường hợp "tài sản đã bị tiêu hủy", ông Châu nói.
Ngoài ra, Điều 25 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định "kể từ ngày UBND cấp tỉnh thông báo về việc phá dỡ nhà chung cư thì quyền sở hữu ghi trong Giấy chứng nhận đã cấp cho các chủ sở hữu nhà chung cư không còn giá trị pháp lý" là không phù hợp với Điều 145 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch HoREA cũng chỉ ra một số bất cập khác tại Điều 25, Điều 26 của Luật Đất đai (sửa đổi), như: Khoản 3 Điều 25 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đồng nhất "quyền sở hữu nhà chung cư" với "thời hạn sử dụng nhà chung cư" mà đây là 02 vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Hoặc Khoản 1 Điều 26 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định "trường hợp nhà chung cư thuộc diện quy định tại điểm a khoản 3 Điều 25 của Luật này, thì chủ sở hữu được bồi thường theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về bảo hiểm" chưa phù hợp với Luật Phòng cháy chữa cháy (sửa đổi) 2013 và Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
"Các luật này chưa quy định trường hợp nhà chung cư chưa hết thời hạn sử dụng nhưng bị hư hỏng do cháy nổ không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng thì chủ sở hữu được bồi thường, trừ trường hợp có mua bảo hiểm hoặc xác định được trách nhiệm bồi thường của bên có lỗi gây cháy nổ", ông Châu dẫn chứng.
Trước những bất cập trên, HoREA vẫn tiếp tục kiến nghị chọn Phương án 2: Bỏ Mục 4 Chương II về "sở hữu nhà chung cư", bỏ các quy định về "chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư" và "xử lý nhà chung cư khi chấm dứt quyền sở hữu".
Đồng thời, HoREA cũng đề nghị xây dựng lại Điều 25, Điều 26 với nội dung phù hợp như chỉ nên quy định xác lập quyền sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài"; hoặc "quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất có thời hạn" và quy định "các trường hợp phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư", để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.