Cập nhật: 09-03-2023 10:07:09 | Tin tức & sự kiện | Lượt xem: 1817
Ngày 8.3, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu các đề án nhánh thuộc đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 - 2030.
TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đánh giá với thực trạng kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật của 5 huyện (Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ) thì việc nâng cấp đô thị từ huyện lên thành phố sẽ thuận lợi và khả thi hơn so với việc phát triển thành quận. Đối chiếu với 59 tiêu chí phân loại đô thị là thành phố trực thuộc tỉnh thì H.Củ Chi còn thiếu 13 tiêu chí, Hóc Môn thiếu 8 tiêu chí, Bình Chánh thiếu 2 tiêu chí, Nhà Bè thiếu 7 tiêu chí còn Cần Giờ thiếu 21 tiêu chí. Điểm thuận lợi của mô hình thành phố cho phép giữ lại một số xã nông nghiệp (không quá 35% tổng số xã, thị trấn).
Khu dân cư Trung Sơn, H.Bình Chánh, TP.HCM có tốc độ đô thị hóa cao - Ngọc Dương
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, ở thời điểm hiện tại chưa bàn đến chuyện huyện nào lên quận, huyện nào lên thành phố mà chỉ hướng đến mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại 3. Ông Hoan lưu ý, chiến lược phát triển đô thị của từng huyện phải có sự khác biệt rõ ràng, phù hợp đặc điểm địa phương. Trong đó, Cần Giờ phát triển theo hướng đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, Hóc Môn chủ yếu đô thị sinh thái gắn với dịch vụ (y tế, văn hóa, giải trí, logistics), Nhà Bè thì theo hướng đô thị sông nước, đô thị cảng. "Đô thị nào gắn với thực tiễn đó, không thể khác được", ông Hoan nói thêm.
Đối với 2 huyện còn lại Hóc Môn và Bình Chánh, lãnh đạo TP.HCM cho rằng, cần phát triển theo hướng khu đô thị phức hợp, khu vực tạo ra sản phẩm hỗ trợ cho những khiếm khuyết của đô thị trung tâm, như công viên chuyên đề, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt rác phát điện…
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 - 2030 để tránh cảnh kết quả nghiên cứu "đổ sông, đổ biển". Bởi lẽ, kết quả nghiên cứu dự kiến sẽ được đưa vào quy hoạch chung thành phố, quy hoạch xây dựng, phát triển các ngành. Nếu quy hoạch được phê duyệt (dự kiến vào cuối năm nay) mà đề án chưa xong thì các kết quả không sử dụng được.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định, các huyện sẽ phát triển thành các đô thị vệ tinh của thành phố nhưng phải theo định hướng đô thị hiện đại, sinh thái, đô thị xanh, đô thị số, khắc phục tình trạng phát triển đô thị theo vết dầu loang, tự phát. Đồng thời, các đô thị cũng cần phát triển toàn diện, không chỉ tập trung mỗi công nghiệp, dịch vụ, nhà ở mà cần chú trọng cả văn hóa, quản trị nhà nước.
Về chính sách thu hút nguồn lực, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh, huy động nguồn lực xã hội hóa là chủ yếu, ngân sách nhà nước là cơ bản, tập trung quy hoạch để tạo ra giá trị, giúp mọi người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ từ quy hoạch.
(thanhnien.vn)