Cập nhật: 13-04-2023 09:42:53 | Tin tức & sự kiện | Lượt xem: 1742
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần có quy định cấm môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề để giải quyết vấn đề “cò đất” ở các địa phương.
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng/QH
Sáng 12.4, cho ý kiến dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Điều 9 trong dự thảo luật về các hành vi bị cấm quy định, cấm cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng quy định của luật này.
Trưởng Ban Công tác Đại biểu đặt vấn đề, luật đã cấm cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng theo luật, thì có cấm những người hành nghề môi giới bất động sản mà không có chứng chỉ hành nghề hay không?
Đại biểu cho rằng, cần có quy định cấm môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề để giải quyết vấn đề “cò đất” ở các địa phương.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho biết, tại các địa phương, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản là không phổ biến, mà chủ yếu là thực hiện đấu giá giá trị quyền sử dụng đất.
Do đó, luật cần có những quy định chặt chẽ để phân biệt giữa hành vi người đi môi giới để đi đấu giá đất với người có nhu cầu đấu giá đất thật sự.
Trưởng Ban Công tác Đại biểu đề nghị, cần có sự thống nhất trong mẫu hợp đồng dân sự bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản giữa Luật Kinh doanh bất động sản với các luật khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Cùng quan tâm vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nhận thấy, dự thảo Luật đã bổ sung quy định, điều kiện đối với người quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản; điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Theo bà Thúy Anh, đây là những quy định cần thiết để tăng cường chất lượng hoạt động của giao dịch bất động sản và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới. Nhưng các quy định này rõ ràng sẽ phát sinh các thủ tục hành chính.
Về quy định nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân môi giới bất động sản, dự thảo vẫn không nêu rõ cách thức quản lý để biết các cá nhân, tổ chức này sẽ thực hiện nghĩa vụ hay chưa.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị ban soạn thảo rà soát, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng hơn về các thủ tục hành chính phát sinh.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị, nghiên cứu quy định về khái niệm kinh doanh bất động sản phải thể hiện thành tố tìm kiếm lợi nhuận trong khái niệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, cần quy định cụ thể, chi tiết hơn, tránh giao thoa, chồng lấn với các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Xây dựng.
Góp ý về quy định điều tiết thị trường bất động sản, đại biểu nhận thấy quy định như dự thảo còn chung chung, chưa chi tiết, cụ thể, chưa làm rõ nội hàm “đóng băng”, tăng trưởng “nóng” và không nên quy định một chương riêng về nội dung này.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc các giao dịch dân sự không nhất thiết phải tiến hành qua sàn giao dịch bất động sản, có thể quy định theo hướng khuyến khích, không nên quy định bắt buộc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, hiện nay, việc kinh doanh bất động sản phát sinh những loại hình mới như căn hộ khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, công trình văn phòng kết hợp lưu trú…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị làm rõ những loại hình mới này có thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này không, và nếu có thì được thể hiện cụ thể ở điều, khoản nào trong dự thảo luật này.
Liên quan tới các hành vị cấm tại Điều 9 dự thảo luật, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm về các quy định cấm các hành vi thao túng thị trường, thổi giá đất,… Bởi những hành vi trên thực tế qua xảy ra rất nhiều, do chưa có quy định nên dẫn tới khó có biện pháp xử lý.
Phạm Đông
(laodong.vn)